Cơ hội phát triển “du lịch làng chè”

09/05/2017
Cơ hội phát triển “du lịch làng chè”

VNTN - Phát triển sản xuất chế biến chè kết hợp với phát triển mô hình du lịch làng chè chắc chắn sẽ mang lại "Lợi ích kép" cho sự phát triển kinh tế - văn hóa của mỗi vùng chè thái nguyên. Trong việc này sự "bắt tay" giữa Nhà nông- Nhà khoa học - Nhà văn hóa - Nhà doanh nghiệp du lịch cần phải ngày càng chặt chẽ để cùng phát triển làng chè thái nguyên giữa vùng tài nguyên du lịch đa dạng

Thái Nguyên, nơi "Đệ nhất danh trà" đã được xem như một vùng tài nguyên thu hút khách du lịch, bởi trước hết nơi đây đã luôn bao hàm các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên. Từ lâu, Thái Nguyên được biết đến như một “Thủ đô chè” của Việt Nam, với những sản phẩm trà thơm ngon nức tiếng. Không chỉ thế, các làng chè lại nằm giữa vùng non nước hữu tình với những người nông dân thuần hậu và hiếu khách.

Xét về lợi thế so sánh, có thể nói trên nước ta có biết bao làng nghề truyền thống nhưng hiếm có nơi đâu có tới 50 làng nghề chè thái nguyên nổi tiếng rải khắp 9 huyện, thành phố, thị xã. Các làng chè lại nằm giữa một vùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, giữa vùng di tích lịch sử độc đáo và vùng văn hóa đậm đà bản sắc nhiều dân tộc như ở Thái Nguyên. Làng chè ở Đại Từ nằm sát chân Tam Đảo, vùng rừng núi bao la đồ sộ với những cánh rừng quốc gia trải dài; những làng chè của Định Hóa, Đồng Hỷ, Võ Nhai chạy theo dọc ven chân những rặng núi đá vôi lô nhô ở với nhiều hang động, thác nước kỳ thú mộng mơ; làng chè Tân Cương bên Hồ Núi Cốc một cảnh quan mênh mang "Sơn thủy hữu tình". Không những thế các làng chè còn gắn kết với không gian văn hóa lịch sử của vùng đất ATK Thủ đô gió ngàn, chiến khu Việt Bắc năm xưa.

Làng chè giữa một vùng tài nguyên du lịch đa dạng nên cho phép hình thành 3 tour du lịch đặc sắc đi qua các địa danh tiêu biểu, trong đó có các làng nghề chè nổi tiếng, bao gồm: Tour thứ nhất: Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - chùa Đán - chùa Y Na - Không gian văn hóa trà - vùng chè Tân Cương - khu du lịch sinh thái Hồ Núi Cốc; tour thứ hai: Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - di tích đền Đuổm - khu di tích lịch sử sinh thái An toàn khu Định Hóa; tour thứ ba: Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - làng chè La Bằng - khu du lịch Sinh thái Hồ Núi Cốc - làng chè Tân Cương

Du lịch làng nghề đang là lựa chọn số 1 của du khách

Tổng cục Du lịch cho biết: "Du lịch làng nghề đang là lựa chọn số một của du khách. Theo thống kê, lượng du khách chọn du lịch văn hóa làng nghề chiếm tới 60% trong tổng số 800 triệu du khách trên toàn thế giới". Sản phẩm trà nổi tiếng cùng với sự đa dạng về tài nguyên của các làng chè Thái chắc chắn sẽ có được sự cuốn hút đặc biệt với du khách trong và ngoài nước. Thêm vào đó, hiện nay các công ty du lịch lữ hành ra đời ngày càng nhiều và luôn tìm kiếm, khai thác những địa điểm, sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách trong và ngoài nước. Vẻ đẹp của miền đất và con người nơi vùng chè thái nguyên nổi tiếng và rộng thứ hai cả nước này hẳn sẽ là điểm khai thác mà các công ty du lịch lữ hành ngắm tới để hợp tác đầu tư.

Đến “Thủ đô chè” dịp này, du khách sẽ thấy được một không khí đang chuẩn bị sôi động tại các làng chè thái nguyên, một hy vọng đã lóe sáng về tương lai phát triển của ngành chè và về một làng chè sẽ trở thành một điểm đến của du khách. Tân Cương đang khẩn trương mở rộng nâng cấp đường sá, tân trang chợ chè, xây dựng nhà truyền thống chè Tân Cương và nhiều gia đình đang sửa sang nhà cửa cho khang trang hơn để sẵn sàng đón khách… Làng chè La Bằng huyện Đại Từ đang tập trung xây dựng thành điểm đến của khách du lịch. Tại đây, đang xây dựng vườn chè cổ và cải tạo, chỉnh trang, chăm sóc vườn chè của các xóm: Tiến Thành, Đồng Đình, Kẹm với diện tích 100ha, trong đó chọn xóm Tiến Thành là trung tâm. Cũng tại điểm trung tâm này, du khách có thể đi tham quan vườn chè an toàn theo tiêu chuẩn VIETGAP, xem người dân thu hái chè, thăm vườn chè cổ, thưởng thức trà thái nguyên ngon và nghe người dân hát then với đàn tính, thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương... Xóm Thác Dài huyện Phú Lương có 60 hộ dân thì cả 60 hộ dân đều trồng chè và sống bằng nghề chè, đang xây dựng làng nghề sản xuất chè chất lượng cao, chè sạch, an toàn. Sản xuất chè theo tiêu chuẩn VIETGAP

Những vấn đề đặt ra

Các chuyên gia du lịch nhận định, sự liên kết và chia sẻ lợi nhuận giữa hãng du lịch lữ hành với người dân làng nghề là điều kiện tiên quyết cho việc duy trì và phát triển du lịch làng nghề. Bởi chỉ khi người dân cảm thấy có lời, thì họ mới yên tâm sản xuất, giữ nghề và có động cơ tích cực để tìm hiểu cách làm du lịch, từ đó mới biết làm du lịch.

Đến với làng trà thái nguyên du khách cần được tham quan những đồi chè xanh mướt được sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP. Là loại hình "Du lịch làng nghề nông nghiệp", các địa phương cần vận động nhiều gia đình tham gia vào mạng lưới "Du lịch nhà vườn", sửa chữa nhà cửa để đón khách. Đây không phải là những căn nhà mới xây dựng với tiện nghi hiện đại mà là các ngôi nhà vốn có, được tu bổ cho hợp với tiêu chuẩn của hệ thống du lịch. Có phòng để tiếp khách, có phòng ngủ, bàn ăn và quan tâm đặc biệt đến nguồn nước sạch và khu công trình phụ văn minh…

Làng du lịch cũng nên xây dựng một số công trình "Nhà nghỉ nông thôn" thiết kế kiểu nhà sàn… để có thể đón tiếp nhiều đoàn khách phương xa mong được sống trong khung cảnh khác lạ, êm ả, thơ mộng và ấm cúng của đồng quê Việt Bắc, khác với nơi đô thị ồn ào, náo nhiệt.

Mỗi làng chè cũng cần có "Quán ăn nông thôn" với các món ăn đặc sản địa phương, có "Quán nước" dưới gốc cây cổ thụ bên đường và sẵn sàng một ấm trà thái nguyên ngon đón khách thăm làng, có "cửa hàng" bầy bán sản phẩm trà thái nguyên hảo hạng…

Làng chè cũng cần có "Nhà truyền thống làng nghề", có đội văn nghệ quần chúng biểu diễn dân ca và các làn điệu múa dân tộc, có cả những cỗ xe ngựa đưa khách rong ruổi thăm đồi chè, thăm danh lam thắng cảnh và di tích văn hóa lịch sử trong vùng...

Điều hết sức cần thiết là người dân trong "làng du lịch" cần có thái độ giao tiếp nồng hậu, niềm nở và tự hào hướng dẫn khách du lịch tham quan làng quê mình. Đón du khách nước ngoài cần có nhiều thanh thiếu niên địa phương có trình độ ngọai ngữ, nhất là tiếng Anh để họ được giao lưu thoải mái, được giới thiệu cặn kẽ để thỏa mãn sự hiếu kì…

Phát triển sản xuất chế biến chè kết hợp với phát triển mô hình du lịch làng chè thái nguyên chắc chắn sẽ mang lại "Lợi ích kép" cho sự phát triển kinh tế - văn hóa của mỗi vùng chè đất Thái. Trong việc này sự "bắt tay" giữa Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà văn hóa - Nhà doanh nghiệp du lịch cần phải ngày càng chặt chẽ để cùng phát triển. Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam 2013 chắc chắn sẽ là điểm hội tụ đầy hấp dẫn

Viết bình luận của bạn:
0983 412 602
zalo