La Bằng, lặng lẽ lên hương

08/05/2017
La Bằng, lặng lẽ lên hương

Nằm ở chân núi Tam Đảo, xã La Bằng, huyện Đại Từ có hơn 300 ha chè, trong đó có hơn 200 ha chè đang cho thu hái. Với năng suất đạt 93 tạ/ha, sản lượng trung bình hằng năm đạt gần 1.900 tấn búp tươi/năm, tương đương với gần 400 tấn sản phẩm chè khô. Mỗi năm, cây chè mang lại cho gần 900 hộ nông dân của 10 xóm thuộc xã La Bằng số tiền hơn 55 tỷ đồng.

Là một trong những điểm đến của Lễ hội Trà Quốc tế Thái Nguyên - Việt Nam 2011 và Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam năm 2013, nên vùng quê La Bằng luôn mang một không khí phấn chấn, sôi động và lòng người hân hoan. Tại 3 “cửa ngõ” dẫn vào trung tâm xã là La Lạc, Dốc Mon, Non Vẹo thường xuyên được bà con trang trí đẹp mắt, khiến những khung cổng lớn vào làng thêm trang hoàng. Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Lương Văn Minh phấn khởi cho biết: Xã La Bằng có 10 xóm, thì cả 10 xóm được tỉnh công nhận là làng nghề sản xuất chế biến chè.

Với La Bằng - một điểm đến được tỉnh chọn trong tuor du lịch của Lễ hội trà năm nay, vui đấy mà cũng bận rộn nhiều hơn, bởi thông qua tiếp đón khách du lịch, nông dân La Bằng có thêm cơ hội quảng bá sản phẩm chè và những nét đẹp văn hoá truyền thống quê hương mình. Đặc biệt là ở xóm Tiến Thành và xóm Kẹm, những hộ dân có vườn chè ở gần khu vực trung tâm xã vận động nhau cùng phát tuyến, dọn cỏ, chăm sóc cho vườn chè trở nên đẹp hơn.

Đi theo từng trục đường về các ngõ nhỏ, chỗ nào chúng tôi cũng thấy thoảng thơm vị chè đang lên hương. Bên ấm trà sóng sánh xanh, ông Vũ Ngọc Vĩnh, xóm Đồng Tiến thủ thỉ: Được đón tiếp khách trong cả nước, khách quốc tế đến thăm quan, dân trong xã ai cũng vui. Vì thế gia đình tôi cũng như mọi nhà đều chuẩn bị ấm trà ngon nhất để đãi đằng thiên hạ, và bán cho du khách có nhu cầu mua làm quà…

Tôi hiều: Với người dân xã La Bằng thì đây là một cơ hội tốt trong việc quảng bá thương hiệu, nhưng không vì thế mà bà con "tranh thủ phóng đại" về chất lượng sản phẩm của loại cây hái ra tiền, mà điềm đạm với ý nghĩ: "Hữu xạ tự nhiên hương".

Khi đến trước một ngõ nhỏ, thấy tiếng rào rào của chè khô lộn nhào trong máy, tiếng các mẹ, các chị í ới trò chuyện, tôi cảm nhận mùi thơm của chè như sánh lại giữa một chiều đầu Đông. Hương thơm của chè dậy lên một cảm giác diệu huyền, mê man, mơ hồ khiến chúng tôi không thể cầm lòng, tìm đến. Chúng tôi gặp ở đây, tại ngôi nhà khang trang của gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc, xóm Đồng Tiến các thành viên Tổ hợp tác Chè an toàn La Bằng. Mỗi người một việc, mê mải, song nụ cười luôn hiển hiện hồn nhiên trên khuôn mặt mỗi người. Bà Lâm Thị Vân cho biết: Hôm nay chị em trong tổ hợp tác tập trung lên hương cho hơn 1 tạ chè khô. Chỗ chè này chúng tôi làm bán trong dịp Tết Nguyên đán. Rồi sau Xuân, chúng tôi bắt đầu làm chè chuẩn bị phục vụ cho Festival Trà năm 2013. Còn bà Lương Thị Hà giải thích thêm: Lên hương là công đoạn cuối cùng của quá trình sao, sấy chè. Công đoạn này không đòi hỏi độ nhiệt cao, song quan trọng là phải biết lượng nhiệt như thế nào cho vừa. Khi thấy cánh chè lên màu mốc trắng, có mùi thơm nếp cốm là được.

Nhìn những động tác vào chè, lên hương, ra chè và đóng gói sản phẩm, tôi biết các chị đều là dân làm chè có kinh nghiệm. Bà Vân nói mộc mạc: Gia đình tôi có 4 sào chè, do đồi đất dốc, nhưng nhờ chịu khó chăm bón nên mỗi năm cũng được thu hái từ 8 đến 9 lứa.

Có đất, ai cũng có thể làm được chè. Nhưng để làm ra được sản phẩm chè ngon thì lại cần đến sự khéo léo của đôi bàn tay mỗi người. Đó là đôi bàn tay biết cảm nhận được nhiệt độ, độ ẩm của chè ở từng công đoạn, để qua đó điều chỉnh củi lửa trong lò. Ở vùng đất dưới chân núi Tam Đảo này, ông Trần Trọng Bình, xóm Đồng Đình được bà con suy tôn là người có đôi bàn tay vàng. Ông làm chè cực khéo cũng bởi trời phú cho ông sự cần mẫn cùng đôi bàn tay của một nghệ nhân. Tham gia các ngày hội chè của tỉnh Thái Nguyên, tại nhiều cuộc thi sao chè, ông Bình luôn là người lãnh giải cao nhất, được Ban tổ chức cuộc thi trao tặng danh hiệu “Đôi bàn tay vàng”. Chúng tôi hỏi về bí quyết cho ông thành công trong khâu chế biến chè, ông suy nghĩ giây lát rồi xòe đôi bàn tay nhám đen nhựa chè, bảo: Tất cả là ở đôi bàn tay của mình. Vì từ đôi tay có thể cảm nhận được lượng nhiệt cần thiết, độ khô giòn của chè và từng công đoạn đảo chè nên nhanh hoặc chậm.

Năm 1981, hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, ông Bình thấy đất đai quê mình còn hoang hóa nhiều, nên hằng ngày tranh thủ phát cỏ, chặt cây, đốt dọn bãi lấy đất trồng chè. Mỗi năm một mảnh, dần dà ông đã có trong tay 1ha chè trồng hạt. Năng suất đạt từ 15 đến 18 kg chè khô/sào/lứa. Vậy nhưng, cả 1 ha chè hạt đang cho thu hoạch ổn định, ông Bình quyết định phá dần để trồng thay thế bằng chè cành giống mới. Đó là vào năm 2000, ông Bình tìm đến Trung tâm giống cây trồng để học hỏi kỹ thuật, mua hom chè giống về trồng. Bằng phương châm lấy ngắn nuôi dài, đến vụ trồng chè năm 2009 ông Bình đã có trong tay 1ha diện tích chè cành, chủ yếu giống LDP1, Bát Tiên, Kim Tuyên, Keo Am Tích, Hoa Nhật Kim, Long Vân, Phúc Thọ. Cũng trong những năm này, trong xã có nhiều hộ chuyển dần diện tích chè già cỗi và diện tích đất trồng cây cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại chè cành giống mới. Đến nay, diện tích chè giống mới của xã trồng đạt trên 50 ha, trong đó có hơn 30 ha chè đã cho thu hái. Ông Lương Văn Minh tự hào, bảo: Các loại chè cành như Hoa Nhật Kim, Keo Am Tích, Long Vân được ví là chè dành cho người giàu, vì giá bán của các loại chè này luôn cao gấp hơn 2 lần so với chè giống Trung du.

Thu hoạch chè thái nguyên. 

Đến nhà ông Vũ Ngọc Vĩnh, gặp lúc mọi người đang tíu tít lên hương chè, tuy bận rộn nhưng ông vẫn mời chúng tôi vào uống thử chè do gia đình ông làm ra. Hộp chè mới hé, tôi đã cảm nhận được mùi cốm non lan tỏa, từng cánh chè rơi vào ấm kêu roong roong, nhất là lúc nước sôi từ phích tra vào ấm, mùi thơm của chè như đặc quánh lại cả một không gian, quyến rũ. Ông Vĩnh cho biết: Nhà tôi có 4 sào chè, nhờ đất tốt, thuận nước tưới nên năng suất chè đạt 18 kg chè búp khô/sào/lứa. Mỗi năm tôi thu hoạch được gần 6 tạ chè búp khô, trừ chi phí đầu tư, mỗi năm tôi còn có lãi hơn 60 triệu đồng.

Bên bàn trà ấm cúng, chúng tôi được nghe bà con nông dân xã La Bằng kể chuyện về nghề làm chè, tôi thấy cũng mùi mẫn bởi loại cây hái lá lấy tiền này giống đời kiếp con người ta, có khi trầm luân trong ghẻ lạnh, lúc được tung hứng, ngợi ca. Trên vùng đất chè dưới chân núi Tam Đảo này, một trong những nữ nông dân năng động được bà con ngợi khen là bà Lương Thị Hà. Từ nhiều năm nay, bà Hà đầu tư thâm canh 12 sào chè, trong đó có 4 sào chè trên đất của gia đình và 8 sào đi thuê mượn đất làm thêm. Để thu hái chè kịp lứa, bà thường xuyên thuê thêm 5 lao động, với mức tiền công 100.000 đồng/người/ngày. Khi chúng tôi hỏi về nguồn thu nhập từ cây chè thái nguyên hằng năm, bà Hà khiêm tốn, bảo: Tổng thu được 120 triệu đồng/năm, trừ chi phí như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công thu hái… còn lãi khoảng 80 triệu đồng/năm.

Ông Lương Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông xã gật đầu xác nhận: Trong xã, hầu hết các hộ trồng chè đều có cuộc sống ổn định, trung bình hằng năm mỗi hộ để ra được từ 30 đến 40 triệu đồng. Đặc biệt có khoảng hơn 5% số hộ mỗi năm để dư được số tiền từ 80 triệu đồng trở lên/năm như gia đình bà Hà, ông Bình. Với người thành phố thì chưa biết thế nào, nhưng với người nông dân chúng tôi, đó là cả một tài sản lớn.

Trong khi trò chuyện với người đại diện cho nông dân vùng chè La Bằng, chúng tôi còn được biết thêm: Đầu năm 2011, ông Lương Thanh Nhã, Giám đốc Công ty Cổ phần Hùng An Trà Việt Nam, có trụ sở tại Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội đã tìm về đây, đặt thu mua chè của bà con nông dân mang về Hà Nội kinh doanh. Lý do để một doanh nhân từ Hà Nội tìm về vùng chè ở chân núi Tam Đảo này là bởi vô tình được bè bạn biếu chè uống tết. Là người rành rẽ hương vị của chè, nên ngay sau lần uống thử, vị giám đốc của một công ty từ Hà Thành đã không quản ngại xa xôi, ngược đường về La Bằng, đến với người dân, xem nông dân hái chè, chế biến chè và đăng ký trực tiếp thu mua chè với một số hộ. Tuy chỉ là hợp đồng miệng giữa doanh nhân và nông dân, song Hùng An Trà Việt Nam bắt đầu gắn bó khăng khít hơn với La Bằng.

Chè La Bằng mới khẳng định được thương hiệu từ khoảng gần 5 năm nay. Thương hiệu là do mọi người dân trong xã cùng quyết tâm làm, như không sử dụng các loại hóa chất độc hại phun cho chè. Khi thu hái, chế biến phải để chè vào các tấm nong, nia chứ không đổ bừa bãi ra nền nhà… Bên nương chè của xóm Lau Sau, nơi di tích thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên năm 1936, một nông dân đã nói với chúng tôi: Dân La Bằng vinh dự là quê hương cách mạng, tự hào là được sống ở vùng quê được trời đất ban tặng cho sản vật chè. Người La Bằng làm chè không chạy theo số lượng, không vì lợi nhuận trước mắt, cũng không quảng cáo rầm rộ. Chè làm ngon, người dùng trà khắp nơi khắc tìm đến.

Chè La Bằng lặng lẽ chiếm lĩnh được thị trường, khẳng định giá trị đích thực của mình cũng bằng chính chất lượng sản phẩm. Nhưng để hương trà La Bằng lan tỏa rộng đến mọi miền đất nước, thậm chí được đóng gói thành bưu kiện theo những chuyến tàu vượt biển, theo máy bay qua đường hàng không sang với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, rồi đến với người Nga, người Mỹ, sang cả quê hương trà đạo của Nhật Bản, đến vùng trà thư Trung Quốc với 1,3 tỉ dân, chắc đã mấy thế hệ người dân La Bằng phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt. Chuyện kể: Dưới chân núi Tam Đảo có dòng nước mát thuần khiết được chắt lọc từ lòng núi, chạy dọc qua các nương chè của xã, nhờ nguồn nước tinh khôi đầu nguồn tưới tắm nên chè có hương thơm, mang vị chát mà đượm ngọt, người uống trà thấy sảng khoái, minh mẫn. Đặc biệt khi pha trà, chuyên ra chén thấy phía trong cái vành tròn sành sứ thoảng vờn sương khói, hơi nước tách lên, uốn hình như có nàng tiên nữ nhẹ nhàng bay lên, mơ hồ xa xăm mà gần gũi như ở giữa cuộc đời thực này. Vì thế ở vùng chè La Bằng, những người phụ nữ có đôi bàn tay của nghệ nhân, họ làm ra chè ngon nổi tiếng, nhưng chỉ có đàn ông mới là người biết thưởng trà.

Nhâm nhi chèn trà sóng sánh xanh, ông Minh cho chúng tôi biết thêm: Trên khu đất thuộc đèo Khế, núi Điệng của xã hiện còn có những bãi chè cổ thụ, nhiều cây có đường kính rộng tới 50cm. Mới đây, người dân trong xã còn phát hiện trên đó có những bãi chè ra búp đỏ, hái về hãm nước chè xanh uống rất ngon.

Hỏi gốc tích, lai lịch cây chè trên vùng đất La Bằng, các cụ cao tuổi cũng chỉ đưa ra giả định là khoảng vài trăm năm trước, chim muông tha hạt chè về đây, thả xuống đất, hạt chè nảy thành cây, ra thành tán. Người dân địa phương đi rừng lấy gỗ, săn thú cũng chỉ hái lá về đun uống. Đến đầu thế kỷ XX, La Bằng có cụ Khuông, chủ đồn điền cho người lên rừng lấy hạt chè về trồng ở gò Treo Trống, nay thuộc đất xóm Na Cút. Sau này, bãi chè nhà cụ Khuông bị nhân dân phá lấy đất trồng lúa, màu. Đến những năm đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, theo tiếng gọi của Đảng, những người dân từ vùng đất Bình Lục (Hà Nam) lên khai phá đất trồng chè. Ông Vũ Tiến Dũng, một trong những nông dân làm chè có kinh nghiệm cho biết: Đó là những năm cả vùng đất này thức dậy cho cây chè này mầm. Nông dân trồng chè nhưng hằng tháng đi xếp hàng nhận gạo của Nhà nước trợ cấp. Quan điểm "Ăn để trồng chè", nhưng các nhà chức trách chưa tính đến việc khi có chè cho thu hái, nông dân bán cho ai. Chính vì thế mà có dạo vùng đất này nhà nào cũng nhiều chè, nhưng tiền đong gạo lại chẳng có.

Câu chuyện ông Dũng kể đầy ắp một nghịch lý buồn. Nhưng thời bao cấp, người ta làm việc lấy… tinh thần là chính. Hằng ngày, theo hiệu lệnh, nông dân tiến lên đồi, những cánh tay vung dao lên, từng khoảng rừng theo nhau đổ xuống, lửa đốt nương cháy ù ù, tàn tro bay khắp xóm. Đất được cuốc lật lên, đỏ ối thành hàng lối, hạt chè được tra xuống, hợp đất, hợp khí hậu nên sau nảy mầm, chè nhanh chóng thành cây, thành tán. Đi đâu cũng thấy chè, nhưng chè không ăn độn được thay cơm, đun uống nhiều cũng thấy cồn ruột. Ông Dũng tâm sự: Những năm bao cấp, ngăn sông cấm chợ, mình là dân trồng chè uống chẳng hết, nhưng mang đi ra khỏi xã phải dấu diếm mỗi túi vài lạng. Còn đàng hoàng mang ra khỏi địa bàn thì chấp hành thông lệ: 1 kg chè phải có giấy xác nhận của UBND xã, 2 kg chè phải có giấy chứng nhận của UBND huyện. Vì cách quản lý của một thời ẫu trĩ đã làm người dân La Bằng chẳng tha thiết với cây chè. Vì đơn giản, cây chè có nuôi sống được con người đâu… Giây lát dừng lời, ông Dũng phấn chấn bảo: Bây giờ có càng nhiều, mang đi được càng nhiều càng tốt.

Chợ chè La Bằng 12 phiên/tháng. Trung bình mỗi phiên chợ có từ 7 đến 10 xe ô tô tải về nhập chè. Chợ chè La Bằng còn có cả chè tứ chiếng mang đến bày bán, vì thế giá cả cũng khác nhau. Ông Đỗ Xuân Thìn, Trưởng xóm Kẹm cho biết: Người đi buôn chè rất rành, chỉ nhìn màu nước trà, ngửi hương trà là họ phân biệt chính xác từng loại chè ở những đâu mang đến, thậm chí họ còn biết được đâu là chè chăm bón bằng phân chuồng, phân hóa học hoặc chè bị quá lửa khi chế biến.

Thế mới hay là chẳng có cách quảng cáo nào tốt hơn bằng cách làm chè cho thật sự có chất lượng. Chất lượng được bắt đầu từ giống, kỹ thuật chăm sóc rồi mới đến cách chế biến chè.

Đã chạng vạng chiều, trên các trục đường về ngõ xóm, chúng tôi gặp những nông dân tất bật với gánh chè nặng vai. Ngay sau bữa cơm chiều, bếp lò của dân vùng chè lên lửa, máy sao, máy vò chè lặp lại từng vòng quay, đều đặn như chiếc kim đồng hồ. Rồi từ đây chè lặng lẽ tỏa hương, hiến dâng cho cuộc đời những gì tinh túy nhất.

Lễ hội Trà Thái Nguyên - Việt Nam 2013, La Bằng là một điểm đến, người dân dưới chân núi Tam Đảo này được tỏ lòng khiếu khách qua sản phẩm chè do chính đôi tay mình làm ra. Thứ chè móc câu truyền thống, quăn tít, khi tra nước đun sôi vào thì nở bung, tỏa hương.

http://tancuongxanh.vn

Viết bình luận của bạn:
0983 412 602
zalo