Tổng quan về ngành chè thái nguyên

08/05/2017
Tổng quan về ngành chè thái nguyên

Thái Nguyên là vùng chè trọng điểm của cả nước, đứng thứ 2 sau tỉnh Lâm Đồng. Nghề trồng và chế biến chè đã đem lại hiệu quả lớn về kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. Chè được xem là cây xóa đói, giảm nghèo và làm giàu của nông dân Thái Nguyên. Hiện nay, diện tích chè thái nguyên của tỉnh có hơn 18.600 ha, trong đó có gần 17.000 ha chè kinh doanh, năng suất đạt 109 tạ/ha, sản lượng đạt gần 185 nghìn tấn.

*  Vùng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên): Vùng chè Tân Cương  bao gồm 3 xã Phúc Xuân, Phúc Trìu và Tân Cương, có tổng diện tích 4.861,8 ha. Chè Tân Cương có hương thơm tự nhiên, vị đượm, chát nhẹ, mầu nước vàng xanh, uống xong có hậu ngọt còn lắng sâu trong vị giác người thưởng thức, chè thái nguyên đã được những người sành điệu rất ưa dùng và tôn vinh là "Ðệ nhất danh trà". Trà Tân Cương đã khẳng định thương hiệu trên thị trường trên 100 năm nay. Chè Tân Cương là một trong 5 sản phẩm quốc gia được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên toàn quốc.

* Vùng chè La Bằng (huyện Đại Từ): La Bằng  nằm sát chân núi Tam Đảo là vùng đất sản xuất chè ngon đặc biệt của Thái Nguyên, có trên 328ha diện tích trồng chè, năng suất bình quân 90tạ/ha.  Chất lượng chè La Bằng cũng ngang với các vùng chè nổi tiếng khác. Chè La Bằng đã có thương hiệu và luôn đoạt giải cao trong các cuộc thi chè trong phạm vi tỉnh và toàn quốc. Hiện nay, La Bằng có khoảng 40 nghệ nhân chế biến chè thái nguyên nổi tiếng

* Vùng chè Trại Cài – Minh Lập (Đồng Hỷ): Chè Trại Cài  cũng đã nổi tiếng từ lâu bởi hương vị thơm ngon đặc biệt. Hiện nay, Trại Cài - Minh Lập có trên 460 ha chè canh tác, chủ yếu giống chè trung du. Sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 4.200 tấn chè thái nguyên búp tươi/năm.

Xác định chè là cây trồng mũi nhọn, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư toàn diện cho phát triển chè, đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, xây dựng thương hiệu và hệ thống quản lý từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ chè.

- Về phát triển vùng nguyên liệu: từ năm 2006 – 2012, hàng năm tỉnh tổ chức trồng mới và trồng lại bình quân 1000 ha/năm bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao. Để đảm bảo chất lượng chè nguyên liệu, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư thâm canh trong đó có áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Từ năm 2009, mô hình đầu tiên sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đã được thực hiện ở xã Hòa Bình (Đồng Hỷ), sau đó tiếp tục được triển khai tại nhiều địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh có 15 mô hình chè VietGAP ở các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Định Hóa, Võ Nhai, Phổ Yên, Phú Lương và T.P Thái Nguyên, với tổng diện tích khoảng 200ha.

- Về chế biến: Chè Thái Nguyên được chế biến bằng 2 phương pháp: thủ công và công nghiệp. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 29 doanh nghiệp, trong đó có 17 doanh nghiệp có hoạt động thu mua chè búp tươi để chế biến sản phẩm, sản lượng chế biến đạt 37.400 tấn, trong đó chế biến công nghiệp đạt 6.385 tấn, bằng 17% tổng sản lượng. Sản phẩm chè chế biến công nghiệp chủ yếu là sản xuất chè đen, chè xanh để xuất khẩu. Còn lại phần lớn sản lượng chè được chế biến thủ công với nguyên liệu chè búp tươi được nông dân sơ chế bằng máy sao tôn quay, máy vò, chỉ có vùng chè đặc sản mới chế biến chè thành phẩm.

- Về tiêu thụ chè: được tiêu thụ cả thị trường trong và ngoài nước, trong đó thị trường nội địa chiếm 70% với sản phẩm là chè xanh, chè xanh đặc sản, chỉ có khoảng 30% sản lượng chè chế biến được xuất khẩu, giá xuất từ 1.400-1.500 USD/tấn, thị trường nhập khẩu chủ yếu là các nước Trung Đông, một số nước Châu Á và Đông Âu.

Nhìn chung giá chè Thái nguyên tiêu thụ trong nước luôn cao hơn các vùng chè khác và tương đối ổn định, hiện đang ở mức 120.000 đồng đến 220.000 đồng/kg chè thành phẩm đối với sản phẩm loại trung bình;  từ 280.000- 450.000 đồng/kg chè xanh đặc sản;  chè đặc sản cao cấp có giá 2.500.000 – 3.000.000 đồng/kg.

Việc thâm canh và chuyển đổi cơ cấu giống chè trong những năm qua đã làm tăng giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích từ 46 triệu đồng/ha năm 2008 lên tới 68 triệu đồng/ha năm 2010…..

- Các tác nhân có liên quan đến ngành chè thái nguyên

Trong chuỗi sản xuất chè bao gồm các khâu:  trồng và chăm sóc;  thu hái; vận chuyển;  chế biến; đóng gói; bảo quản; thương mại; tiêu thụ đều có liên quan chặt chẽ về quy trình kỹ thuật và các biện pháp đảm bảo chất lượng sản phẩm chè.

Trong chuỗi giá trị ngành chè: hàng loạt các hoạt động sản xuất kinh doanh đều phải quan hệ chặt chẽ với nhau từ việc cung cấp đầu vào, sản xuất, thu gom, chế biến đến việc bán sản phẩm cho người tiêu dùng

Ở Thái Nguyên, có nhiều tác nhân tham gia trong chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị ngành chè như:

+ Trong khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch chè bao gồm: Các hộ nông dân trồng và chế biến chè có quy mô sản xuất trang trại hoặc nông hộ, những hộ nông trường viên là những công nhân nông trường đã nhận đất của nông trường theo hợp đồng khi nông trường chuyển đổi thành công ty;  các hộ có khả năng ký hợp đồng sản xuất cho các công ty chè;  Các hộ là xã viên HTX (gồm cả những hộ tham gia tổ, nhóm nông dân).

+ Trong thu gom chè: có các nhóm người thu gom, tư thương.

+ Trong chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm:  có các cơ sở chuyên chế biến tư nhân, hộ sản xuất kiêm chế biến, DNNN, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp liên doanh chế biến và xuất khẩu; người thu gom, người bán buôn,...

+ Các tác nhân hỗ trợ cho sản xuất, chế biến chè như Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên,…các tổ chức NGO.

- Tính liên kết trong sản xuất chè ở Thái Nguyên

Tham gia vào chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị ngành chè ở Thái Nguyên hiện nay có 29 doanh nghiệp, 30 HTX, 50 làng nghề và hàng trăm tổ hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè với trên 60 ngàn hộ nông dân trồng chè.  Sự liên kết giữa các tác nhân trong chuối giá trị ngành chè còn chưa chặt chẽ dẫn đến người trồng chè chưa có sự chia xẻ thu nhập công bằng.

Thực tế trên địa bàn tỉnh cho thấy, sự liên kết giữa người trồng, chế biến chè là xã viên HTX hoặc Tổ hợp tác khá chặt chẽ trong tổ chức của mình. Nhưng sự liên kết giữa hộ nông dân trồng chè nói chung với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ chè hầu như không có, hoặc nếu có cũng rất ít và chưa thực sự chặt chẽ, vẫn còn hiện tượng người trồng chè tự chế biến, tiêu thụ, doanh nghiệp có thu mua chè nguyên liệu nhưng chưa thường xuyên hoặc chưa thực sự có liên kết chặt chẽ với người sản xuất. Tình trạng trên dẫn đến sản phẩm chè tiêu thụ trên thị trường tuy đa dạng sản phẩm nhưng chất lượng chưa đồng đều.

Chất lượng Chè Thái Nguyên hiện nay đã được nâng cao do việc tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật từ khâu giống, canh tác, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản và quan trọng nhất là biện pháp quản lý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã được áp dụng rộng rãi. Nhiều sản phẩm chè Thái Nguyên đã được công nhận đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cấp quốc gia VietGAP, cấp quốc tế như UTZ, GlobalGAP… Tuy nhiên, chè Thái Nguyên vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như:

- Diện tích chè phân bổ trên toàn tỉnh với trên 60 ngàn hộ trồng và chế biến chè do vậy chất lượng chưa đồng đều, khó quản lý.

- Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè của tỉnh chưa có vùng nguyên liệu riêng do vậy luôn bị động trong sản xuất và quản lý chất lượng, chỉ có một số doanh nghiệp được chuyển đổi từ các nông trường chè mới có vùng nguyên liệu riêng và một số doanh nghiệp như Công ty XNK Thái Nguyên, Nhà máy chè xuất khẩu Tân Cương,- Hoàng Bình, Công ty CP Vạn Tài, Công ty NHHH một thành viên chè Sông Cầu, doanh nghiệp tư nhân Trà Hạnh Nguyệt đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ, liên kết với người trồng chè để có sản phẩm chè cao cấp, chất lượng cao, đảm bảo an toàn và có giá trị cao để xuất khẩu.

- Việc liên kết giữa các tác nhân liên quan đến chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị ngành chè từ người trồng chè đến người chế biến, tiêu thụ chè chưa chặt chẽ, chủ yếu vẫn là người trồng chè tự chế biến và tiêu thụ là chính, số doanh nghiệp có liên kết với người trồng chè chưa nhiều, số hợp tác xã sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè có hiệu quả chưa cao, các làng nghề, tổ hợp tác phần lớn mới được thành lập, sự liên kết mới chỉ là bước đầu.

- Việc quản lý chất lượng chè chưa thực sự đồng bộ, chưa quản lý chặt chẽ được từ khâu sản xuất nguyên liệu do vậy mặc dù chất lượng chè Thái Nguyên rất tốt nhưng vẫn chưa thực sự bền vững.

Để chè thái nguyên thực sự phát triển bền vững, đạt mục tiêu tỉnh đề ra là:  đến năm 2015 ổn định diện tích chè của toàn tỉnh 18.500 ha, năng suất đạt 12 tấn/ha, sản lượng chè hàng năm đạt 200.000 tấn búp tươi, đưa giá trị sản xuất chè lên 85 triệu đồng/ha và 100% diện tích chè vùng nguyên liệu tập trung đạt tiêu chuẩn VietGAP, ngày 31 tháng 8 năm 2011 UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 2214/QĐ/UBND phê duyệt Đề án nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015 với 5 giải pháp và 3 dự án ưu tiên. Có thể tóm tắt các giải pháp như sau:

-  Quy hoạch:  Vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến:  theo tỷ lệ 80% sản phẩm chè xanh và 20% sản phẩm chè đen; Vùng chè xanh đặc sản, tỉnh quy hoạch vùng sản xuất tập trung tại các vùng chè: thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công và các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương.  Quy hoạch sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn

- Chuyển đổi cơ cấu giống: Tỉnh chủ trương tiếp tục mở rộng diện tích gắn với chuyển đổi cơ cấu giống chè, trồng mới và trồng lại 4000 ha chè, giảm diện tích chè giống Trung Du xuống chỉ còn từ  dưới 40%  tổng diện tích.

- Chế biến:  Đánh giá lại năng lực thiết bị, công nghệ của các cơ sở chế biến, khả năng cung cấp nguyên liệu của các vùng sản xuất cho cơ sở chế biến,  chỉ cấp phép hoạt động cho các cơ sở chế biến chứng minh đủ khả năng cung cấp nguyên liệu, khuyến khích các xưởng chế biến quy mô nhỏ tại các trang trại, hộ trồng chè đầu tư chế biến theo hướng kết hợp thiết bị hiện đại với thủ công tinh xảo để tạo ra sản phẩm đặc sản truyền thống.

-  Thâm canh tăng năng suất, chất lượng vùng trà thái nguyên : Ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với ngành khoa học - công nghệ xây dựng các mô hình sản xuất quy mô từ 30 - 50 ha, trong đó áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, sử dụng đồng bộ công nghệ cao trong tưới nước, bón phân và thu hái nhằm tạo ra sản phẩm chè an toàn, chất lượng cao, số lượng lớn. Xây dựng 100% diện tích chè ở các vùng sản xuất lớn đáp ứng yêu cầu sản xuất an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGap).

- Phát triển thương hiệu:  giai đoạn 2011- 2015, Thái Nguyên đặc biệt chú trọng tới việc đầu tư và phát triển thương hiệu "Chè Thái Nguyên", hỗ trợ nâng cấp năng lực thị trường cho người sản xuất, thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển vùng nguyên liệu và chế biến chè.

Trước mắt, tỉnh ưu tiên từ vốn ngân sách đầu tư thực hiện 3 dự án liên quan đến phát triển cây chè như: quy hoạch phát triển cây chè, nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm chè, phát triển thương hiệu Chè Thái Nguyên.

- Chính sách: Tỉnh cũng xây dựng cơ chế chính sách về đầu tư phát triển chè với một số nội dung: hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất chè an toàn, hỗ trợ lãi suất và giảm một phần thuế thu nhập cho các doanh nghiệp thu mua chế biến sản phẩm chè có cơ chế ứng trước vốn, vật tư cho người trồng chè, hỗ trợ kinh phí cho công tác đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực cho ngành sản xuất chè...

Viết bình luận của bạn:
0983 412 602
zalo