Từ xóm Guộc đến Festival Trà Quốc Tế

11/05/2017
Từ xóm Guộc đến Festival Trà Quốc Tế

Nhìn từ xa, núi Guộc như một tượng đài sừng sững màu xanh vinh danh trà Tân Cương. Nhìn xa hơn nữa vào buổi sớm mai hay buổi chiều muộn, nắng vàng mùa Thu nhuộm màu, núi Guộc như một báu vật khổng lồ đang hút linh khí của đất trời, để rồi lan tỏa, nâng đỡ cho những búp chè xanh nõn nà của vùng chè Tân Cương, phả hơi ấm vào tình đất, tình người cho sáng danh: "Chè Thái Nguyên đệ nhất danh trà".

Thu hái chè thái nguyên ở xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên)

Xóm Guộc, xã Tân Cương là vùng đất cổ, xóm cổ ở dưới chân núi Guộc. Xóm Guộc có lẽ là một trong những xóm kỳ lạ nhất, sáng danh nhất. Nơi đây đã phát tích danh trà Tân Cương và cũng là nơi phát tích Lễ hội văn hóa trà Thái Nguyên, Việt Nam. Đầu thế kỷ XX, ông Vũ Văn Hiệt (ông Đội Năm) người quê xã Bạch Xam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên lần đầu tiên mang giống chè về trồng ở Tân Cương và lập đồn điền trồng chè, mở xưởng chế biến chè ở xóm Guộc. Từ đó chè thái nguyên Tân Cương ngon nổi tiếng. Thương hiệu chè "Cánh Hạc" của ông không những nổi tiếng ở trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước như Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc… Để rồi từ đó dân gian truyền tụng: "Thái Nguyên đệ nhất danh trà".

Điều kỳ lạ sau đây như một sự tiền định, sự kỳ diệu bất ngờ của chè thái nguyên. Cuối năm 2003 đầu năm 2004 khi lựa chọn mô hình, mẫu hình làng bản văn hóa, Nhà văn hóa tỉnh đã tìm gặp nhiều người làm chè trong tỉnh, nhưng chẳng mấy ai chịu nhận thực hiện. Chỉ có hai ông là Phạm Ngọc Việt, Bí thư Chi bộ và ông Phạm Văn Thiệu, Trưởng xóm Guộc là nồng nhiệt và sốt sắng, hai ông nằng nặc nhận làm, còn hứa là sẽ làm thật tốt.

Ngày mồng 4 Tết năm 2004, Hội chè thái nguyên xuân xóm Guộc lần đầu tiên được tổ chức. Thật bất ngờ, nhân dân và du khách kéo đến dự hội rất đông. Nội dung hội khá phong phú: thi chất lượng chè ngon, thi sao chè bằng chảo gang, các cô gái làng Guộc thi pha trà mời khách, văn nghệ, tung còn, đánh đu, chọi gà, đấu võ, bình thơ… Dân xóm Guộc thân thiện và hiếu khách. Họ tự đóng tiền làm sân khấu, làm nhà văn hóa (cách xưởng chè ông Đội Năm xưa vài trăm mét) làm công tác tổ chức, giải thưởng. Còn làm 20 mâm cỗ mời quan khách đến dự hội thưởng thức. Một ngày hội tràn đầy, mọi người đều thấy đây là hội mới nhưmg lại có sức hấp dẫn kỳ lạ. Có lẽ đây là lần đầu tiên ở Việt Nam văn hóa trà Việt được đưa vào hội làng và trở thành linh hồn của ngày hội.

Ngày mồng 4 Tết năm 2005, “Hội chè thái nguyên xuân xóm Guộc” lần 2 được tổ chức. Từ nội dung, quy mô vẫn là hội làng do dân góp tiền thực hiện. Lần này xóm Guộc mời thêm một số xóm trong và ngoài xã Tân Cương tham gia, bởi thế hội lần này khách thập phương đến rất đông. Ngày mồng 4 Tết năm 2006, xóm Guộc đăng cai tổ chức, Hội đã được nâng lên thành hội cấp xã với tên gọi: "Hội chè Xuân Tân Cương". Lần này, được sự giúp sức của chính quyền xã Tân Cương, lãnh đạo T.P Thái Nguyên và ngành Văn hóa - Thông tin tỉnh, quy mô hội lớn hơn, hầu hết các xóm trong xã Tân Cương đều tham gia. Tháng 8-2006, lần đầu tiên văn hóa trà và trà Thái Nguyên được giới thiệu tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc, tổ chức tại thị xã Hà Giang, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên lúc đó là đồng chí Nguyễn Bắc Son trực tiếp lên khai trương phòng trà và động viên anh chị em tham gia ngày hội. Sự quan tâm đặc biệt của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy với văn hóa trà thái nguyên đã tạo sự hấp dẫn với du khách. Khách đến uống trà, mua trà thái nguyên rất đông. Trại trà thái nguyên lúc nào cũng chật ních người.

Tháng 12 năm 2006, tỉnh Thái Nguyên cử Đoàn văn hóa trà tham gia Festival trà Đà Lạt, với cách giới thiệu văn hóa trà đã có bài bản: Pha trà, mời trà, hầu trà, được chọn lọc kỹ, các động tác thuần thục, tinh tế. Điều đặc biệt là đã đưa diễn xướng dân gian và các loại hình nghệ thuật dân tộc vào trình diễn trong Lễ hội như hát Quan họ, Chầu văn, hát Then, hát chèo…

Từ ngày 26 đến 28-2-2007 tỉnh Thái Nguyên lần đầu tiên tổ chức Lễ hội văn hóa trà Thái Nguyên lần thứ Nhất. Ngày hội đã quy tụ được gần một 100 đơn vị tham gia từ làng nghề chè, các huyện thành thị trong tỉnh, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Mở đầu ngày hội là "Lễ rước cây trà thái nguyên" ra khu vực trung tâm hội là công viên sông Cầu. Lễ khai mạc, bế mạc được tổ chức trọng thể. Nội dung hoạt động đa dạng, phong phú từ thi búp chè ngon, thi sao chè bằng chảo gang, thi văn hóa trà Việt Nam (pha trà, mời trà). Có chương trình nghệ thuật và trưng bày cổ vật, thi múa rồng lân, hiphop, thi đấu vật, đánh đu, tung còn, thi thơ về trà…Trong 3 ngày của Lễ hội, không khí thật sôi động, du khách trong, ngoài tỉnh đến dự rất đông. Ban Tổ chức đã trao gần 1 00 cúp vàng, cúp bạc, bằng khen, giấy khen.

Ngày 8-3-2008, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh lần đầu tiên tổ chức thi “Người đẹp xứ Trà”. Tháng 11-2009, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức “Ngày hội chè Thái Nguyên” tại xã La Bằng, huyện Đại Từ. Lần đầu tiên thi hái chè được đưa vào hội. Từ năm 2007 đến năm 2010, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức nhiều Đoàn văn hóa trà đi giới thiệu ở nhiều nơi như: tại phố cổ Hội An với Lễ hội Quảng Nam, hành trình di sản, ở bãi biển Vũng Tàu trong Lễ hội ẩm thực thế giới, Lễ hội Đền Hùng, giới thiệu văn hóa trà Việt Nam ở Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Giới thiệu ở phố cổ Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh, Bắc Gian. Đặc biệt giới thiệu văn hóa trà thái nguyên tại Hội thảo Quốc tế về phát triển chè ở thủ đô Hà Nội

Từ năm 2008 đến năm 2011, Thái Nguyên thường xuyên được đón tiếp các đoàn khách của Trung ương, địa phương ở trong nước và quốc tế đến dự hội nghị, thăm hay làm việc như đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 1-2009, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (tháng 3-2010), đón tiếp Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, Phạm Gia Khiêm, Trương Vĩnh Trọng. Các vị bộ trưởng như Nguyễn Bắc Son, Lê Doãn Hợp… Đặc biệt, trong một chuyến lên làm việc với tỉnh Thái Nguyên, sau khi dự buổi giao lưu văn hóa trà Thái Nguyên tại khách sạn Hải Âu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh rất yêu thích trà thái nguyên và đã gợi ý tỉnh nên tổ chức thành sự kiện, thành lễ hội lớn đặc sắc của vùng núi phía Bắc. Các vị lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức thành công Liên hoan trà Quốc tế Thái Nguyên, Việt Nam lần thứ nhất 2011.

Từ xóm Guộc đến Liên hoan Trà Quốc tế là một chặng đường dài gần 10 năm. Festival trà Quốc tế Thái Nguyên,Việt Nam là dịp tốt để xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh về đất và người, về trà thái nguyên, chè Việt Nam với bạn bè quốc tế. Những người yêu thích chè thái nguyên đều mong muốn thương hiệu chè thái nguyên ngày càng tỏa sáng và vươn xa, góp phần xây dựng Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp. Nhiều người mong muốn dựng một tấm bia nhỏ trên mảnh đất xóm Guộc, tấm bia ghi: “Nơi đây phát tích danh trà Tân Cương và Lễ hội văn hóa Trà Thái Nguyên, Việt Nam” .

Viết bình luận của bạn:
0983 412 602
zalo